Hình thành và Phát triển
HÀNH TRÌNH 60 NĂM GÌN GIỮ VÀ PHÁT TRIỂN
NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU TUỒNG VIỆT NAM
(Tham khảo tư liệu Nhà hát Tuồng Việt Nam)
Khắc Duyên – Biên kịch sân khấu
Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam
Nhà hát Tuồng Việt Nam, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc vốn đã có từ lâu đời và biểu diễn phổ biến khá rộng rãi chẳng những ở các vùng nông thôn mà ở các đô thị lớn ở phái bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định,Vinh …Và những rạp Tuồng có tên tuổi như: Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài quanh năm diễn Tuồng.
Do điều kiện vật chất của xã hội phong kiến lâu đời kiểu Á Đông đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sân khấu Tuồng. Nghệ thuật Tuồng và nghệ sĩ Tuồng luôn bị chế độ thực dân, phong kiến khinh bạc, coi “đào, kép “ là “ xướng ca vô loài “; đặt địa vị ca hát dưới kẻ cùng đinh. Ây thế mà nó vẫn sống, vẫn tồn tại. Nó sống được chính là nhờ bàn tay đum bọc và yêu thích vô hạn của nhân dân; nhờ các thế hệ diễn viên “ Sinh vì nghệ, tử vì nghệ” ; nhờ có đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng mới có đủ sức nhiệm mầu để các thế hệ diên viên nối tiếp nhau chuyển tải những lớp phù sa bồi đắp nên mảnh đất phì nhiêu của nghệ thuật sân khấu Tuồng.
Năm 1954, hoà bình được lập lại, ngoài các đoàn Văn công kháng chiến và miền Nam ra tập kết, phong trào hát Tuồng phát triển, làm giầu thêm hương sắc cho vườn hoa nghệ thuật dân tộc. Trước tình hình phát triển của phong trào Tuồng và vị trí của nghệ thuật sân khấu Tuồng Bắc, đòi hỏi phải có một đơn vị nghệ thuật mẫu mực về tổ chức, tiêu biểu về phong cách. Do đó, năm 1959 Bộ Văn hoá quyết định thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Được tin này, các nghệ nhân Tuồng đang nằm rải rác ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Tây hướng về Hà Nội tham gia vào việc thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Lúc đầu, Đoàn chỉ có 15 người, nơi ăn, chốn ở chưa có, phải ở nhờ nhà dân và tập luyện trong chùa Hà. Trong bước đi ban đầu, Đoàn được sự giúp đỡ thân tình của Đội Tuồng Liên khu 5 và một ý chí phấn đấu: “Tất cả vì sự nghiệp Tuồng” của các nghệ nhân: Quang Tốn, Bạch Trà, Doãn Khoái, Đình Nhi, Ngọc Phùng, Ngọc Đống,Văn Kính, Văn Thành, Chu Lượng, Mẫn Thu, Minh Thịnh, Diễm Lan, Chu Hải, Hiệp Tắc, Đắc Hán, Hoàng Bản, Văn Tuy, Như Tường, Lê Bá Tùng, Ngọc Như, Ngọc Duyên, Đoàn Thị Ngà,Thanh Hảo, Hữu Điều, Bà Can, Bà Thứ…
Nơi chùa Hà thinh không vắng lặng, từ lâu chỉ có tiếng cầu kinh, niệm phật trong tiếng mõ đều đều, đến nay tiếng trống Tuồng đã làm thức tỉnh, lay động cõi thâm sâu của từng pho tượng Phật. Số phận nhân vật trong các tích Tuồng như thắp sáng hồn người trong cõi nhân gian. Những vai mẫu : Đào Phi Phụng, Đắc Kỷ, Trại Ba,Trương Phi, Triệu Tử Long, Xuân Đào cắt thịt… được khai thác, tập luyện lại kỹ càng. Những vở Tuồng cổ : Đào Tam Xuân loạn trào, Mục Quế Anh dâng cây, Ngũ Viên Thiệu được dàn dựng. Đây là những vở Tuồng đầu tiên đến với khán giả trong buổi sơ khai thành lập Đoàn Tuồng Bắc.
Năm1962, vở Tuồng: “Tiếng gọi non sông”tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đạt tấm Huy chương vàng đầu tiên đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong buổi đầu thành lập Đoàn. Nối tiếp thành quả trên, Đoàn tiếp tục dàn dựng vở Tuồng lịch sử “ An Tư công chúa” tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn Vĩnh Phô – Đình Phong, âm nhạc Lê Cường. Vở Tuồng có nội dung phong phú, mang đậm đặc chất Tuồng, khán giả nhiệt thành ca ngợi. Thắng lợi này đã tạo cho các nghệ sĩ một khí thế mới, một tinh thần phấn chấn, tin tưởng để tiếp tục gìn giữ, nghiên cứu ,tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật Tuồng có giá trị.
Cuối năm 1966 Nhà hát được bổ xung thêm các nghệ sĩ nổi tiếng từ Đoàn Tuồng Kim Lan Hà Nội: Ba Tuyên, Đắc Nhã, Hoàng Phụng, Hồng Nhung, Sáu Tấn… Những vở Tuồng xuất sắc lại tiếp tục ra đời từ những vùng sơ tán Hùng Trì -Lạc Đạo – Hưng Yên, trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Đặc biệt là vở Tuồng “Đề Thám”, một công trình sáng tạo tập thể, dưới sự chỉ đạo của Đoàn trưởng – hoạ sĩ Nguyễn Hồng và đạo diễn Ngọc Phương đã để lại một dấu ấn quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển sự nghiệp Tuồng Bắc.
Trải qua một chặng đường 60 năm kế thừa, gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống của dân tộc, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tập trung sức lực và trí tuệ của các tác giả, đạo diễn, nghệ nhân , nghệ sĩ, diễn viên khai thác, dàn dựng 88 tác phẩm sân khấu Tuồng thuộc nhiều đề tài : Truyền thống, lịch sử, dân gian, hiện đại, nước ngoài. Trong đó có hàng loạt các vở Tuồng cổ mẫu mực: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Triệu Đình Long cứu chúa, Đào Phi Phụng, Ngoại Tổ dâng đầu, Phụng Nghi đình, Nghêu-Sò-ốc-Hến, Mục Quế Anh dâng cây, Nhất Điện thị hàm oan, Thất hiền quyến Trương Đồ Nhục, Lý Phụng Đình…
Ngoài các vở Tuồng cổ, hàng chục trích đoạn đặc sắc cũng được chọn lọc, khai thác, phục hồi: Ôn Đình chém Tá, Đào Tam Xuân đề cờ, Châu Sáng qua sông, Châu Sương cấy râu, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Xuân Đào cắt thịt, Triệu Tử đoạt A Đẩu, Nữ Vương xé nộm, Trụ Vương dỡn tượng, Ông già cõng vợ đi xem hội… được đầu tư, tinh luyện để biểu diễn, nghiên cứu giới thiệu nghệ thuật và truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ. Những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực đó là cây đại thụ lưu giữ và chuyển tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật Tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam và khán giả trên khắp năm châu, bốn biển.
Để phù hợp với sự phát triển của xã hội, sân khấu Tuồng luôn có chiều hướng vươn lên, vượt qua những định kiến:” Tuồng sản sinh từ chế độ phong kiến, phục vụ cho chế độ phong kiến thì sân khấu Tuồng thuộc về bảo tàng như đền đài , lăng tẩm.” Những vở Tuồng nói về cuộc đấu tranh gìn giữ và bảo vệ đất nước, hình tượng các anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước được đưa lên sân khấu Tuồng như : An Tư công chúa,Trần Hưng Đạo, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Lê Lợi, Đề Thám, Suối Đất Hoa, Chu Văn An, Bà Ba cai Vàng, Tình mẹ, Không còn đường nào khác, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Tri Phương, Phũ Mó Thõn Cảnh Phỳc … Những vở Tuồng đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, phê phán những thói hư, tật sấu trong xã hội: Chiếc bóng oan khiên, Phương thuốc thần kỳ, Mối tình của một nhà sư, Tiếng trống kêu oan, Rừng thức,đã thắp sáng tinh thần dân tộc, động viên , thúc đẩy hàng triệu trái tim người dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Để tiếp cận với những tác phẩm sân khấu bất hủ của nhân loại, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn mạnh dạn dàn dựng thử nghiệm những kịch bản: ÔTello, Rômêô-Juyliet, Lơ-xít, Giông tố, Tarát BumBa, Êđíp làm vua,Từ đó rút ra những bài học bổ ích, nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn cho các nghệ sĩ; làm giầu thêm, phong phú thêm vốn liếng nghệ thuật Tuồng phục vụ quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
60 năm qua, bước chân của các nghệ sĩ đã vượt qua bao nẻo đường đất nước, từ đồng bằng lên vùng núi, từ thành phố đến hải đảo xa xôi, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân:
“ Sân đình, trường học, nhà dân
Là nơi gửi phận trao thân suốt đời”.
Tiếng trống Tuồng đến bên bờ sông Hiền Lương chia sẻ nỗi thương đau với đồng bào miền Nam, đến cùng mâm pháo động viên các chiến sĩ hăng hái giết giặc bảo vệ quê hương. Hình ảnh các nhân vật Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Viết Thuật, Đề Thám…theo chân các chiến sĩ đi vào trận đánh. Những ngày hội hè rộn rã, mùa màng bội thu, các nghệ sĩ Tuồng cùng bà con nông dân hoà quyện trong những buổi diễn Tuồng. Tiếng trống Tuồng vượt qua biên giới tổ quốc đến với nhiều nước trên thế giới: Liên xô(cũ), Cộng hoà Liên bang Đức, Bun Ga Ri, Ai Cập, Ytalia, Pháp, Singapore,Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ, Mỹ v.v. Đi đến đâu các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng được sự cổ vũ nhiệt thành và sự khâm phục tài năng biểu diễn từ khán giả nước bạn làm cho các nghệ sĩ càng tin yêu thêm vào nghệ thuật Tuồng cổ truyền của dân tộc.
Con thuyền lướt trên đại dương có lúc thuận buồm xuôi gió, cũng nhiều khi gặp bão tố phong ba. Quy luật khách quan của hiện thực xã hội Việt Nam đã chuyển hoá sang một giai đoạn mới. Luồng văn hoá thế giới ào ạt xâm nhập vào đời sống xã hội nước ta, làm thay đổi tận gốc quan niệm thẩm mỹ của nhiều công chúng khán giả. Tầng lớp trẻ truy tìm sở thích trên mạng; lớp trung niên tìm đối tác làm ăn; tuổi già lấy du lịch, chùa chiền là nơi tiêu chí. Nhà hát có lúc bước đi chao đảo. Tuồng cổ vớn ít người đưa đón; vở mới ra đời lại không có người xem. Nỗi lo lắng cho nghề và đối mặt với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nhiều khi làm lệch lạc tư duy sáng tạo của lãnh đạo Đoàn cùng các nghệ sĩ. Cái tên “cúng cơm” sân khấu “Tuồng” của ông cha đặt cho sợ không còn người nhòm ngó , phải lấy một cái tên chung chung “ Đoàn ca kịch Trung ương”làm cứu cánh mời chào. Trước khi biểu diễn, các diễn viên phải lôi kéo khán giả bằng một chương trình tổng hợp: Nhạc nhẩy, ca khúc, dân ca, độc tấu nhạc cụ … Chẳng khác khi xưa các gánh Tuồng đến các địa phương: Khán giả thích Tuồng diễn Tuồng, thích Chèo diễn Chèo, thích Cải lương ca vài câu vọng cổ. Nỗi truân chuyên tìm đường kiếm sống. Một số diễn viên bỏ nghề đi làm kinh tế, có người chuyển sang môi trường mới thay đổi cuộc đời, một số tìm thêm công việc kiếm lợi nhuận hàng ngày nhưng vẫn “chân trong, chân ngoài “chưa rời nhà hát.
Dân gian có câu: “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Xưa kia các nghệ nhân đâu có đầy đủ điều kiện về vật chất, tinh thần như ngày nay để được làm nghề mà vẫn có được những tác phẩm Tuồng mẫu mực, những mảnh trò trở thành khuôn mẫu truyền cho các thế hệ diễn viên. Xác định vai trò của mình là: “Chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, các nghệ sĩ, diễn viên , cán bộ viên chức Nhà hát Tuồng Việt Nam vật lộn với mọi thách thức, tập trung trí tuệ, đoàn kết một lòng, tiếp tục gìn giữ, khai thác, chỉnh lý, dàn dựng tiết mục. Các tác phẩm có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao ra đời, tham gia các cuộc Liên hoan, Hội diễn sân khấu toàn quốc đạt huy chương vàng, huy chương bạc, giải A, giải B: Tiếng gọi non sông, Đề Thám, Suối Đất Hoa, Hoàng hôn đen, Trần Hưng Đaọ, Chu Văn An, Lý Phụng Đình, Ngoại Tổ dâng đầu, Lý Chiêu Hoàng, Trương Đồ Nhục, Huyền Trân công chúa, Hồ Quý Ly, Phương thuốc thần kỳ, Thanh xà-Bạch Xà, Triệu Đình Long cứu chúa, Rừng thức. Các tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát đã được một lực lượng tác giả: Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Dũng Hiệp, Lộng Chương, Kính Dân, Mai Hanh, Bửu Tiến, Doãn Khoái, Hà Văn Cầu, Thuỳ Linh, Hoàng Đức Anh, Tất Đạt, Hoài Giao, Lê Duy Hạnh, Hà Đình Cẩn, Xuân Yến, Xuân Đức, Văn Sử, Nguyên Ngọc, Văn Biển, Văn Trọng Hùng, Đức Ban, Tiến Thọ, Khắc Duyên, Phùng Dũng, Hoàng Luyện, Phạm Ngọc Côn, Bùi Vũ Minh, Huy Cờ, Đoàn Thanh Ai, Sĩ Chức… Những đạo diễn: Trần Hoạt,Vĩnh Phô, Đình Phong, Chi Lăng, Ngọc Phương, Đình Quang, Tạ Tạo, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Đoàn Anh Thắng, Vũ Minh, Quang Vinh, Lê Hùng, Hoàng Khiềm, Đặng Bá Tài, Đình Sơn, Khắc Thành, Gia Khoản Trịnh Lê Văn, Trọng Dũng, Hà Bảo,Thuý Ten… Các nhạc sĩ: Tô Vũ, Lê Yên, Lê Cường, Nguyễn Viết, Đàm Linh, Đỗ Dũng, Nhật Lai, Phó Đức Phương, Trọng Đài, Vũ Ngọc Quang, Ngô Quốc Tính, Xuân Vượng, Đình Lưu, Hiệp Tính, Quang Bình, Trần Vinh… Các hoạ sĩ: Nguyễn Hồng, Lương Đống, Phùng Huy Bính, Nguyễn Đức Nùng, Đường Tài, Trần Lưu Hậu, Bùi Huy Hiếu, Lê Huy Hoà, Lê Huy Quang, Hoàng Tuyển, Tất Ngọc, Hoàng Song Hào,Nguyễn Dũng, Trần Mậu, Công Quốc Hà, Đinh Quý Thêm… Các biên đạo múa: Đoàn Long, Xuân Định, Trần Minh, Lê Ngọc Cường, Ưng Duy Thịnh, Văn Quang, Trịnh Thị Huệ, Ngọc Bích, Nguyễn Hương thơm,Tạ Vũ Thu.. đã phát huy những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Tuồng, xây dựng nên những hình tượng vở diễn gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng khán giả, có sức truyền tải, thuyết phục khán giả và giới sân khấu sành nghề.
60 năm, 13 thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nối tiếp nhau bồi đắp cho cây đại thụ Tuồng xanh cây , tốt quả. Tài năng nối tiếp tài năng , từ những nghệ nhân ngày đầu thành lập đến nay đã nhiều đạo diễn, hoạ sĩ, diễn viên, nhạc công được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: Nguyễn quang Tốn, Bạch Trà, Lê bá Tùng, Nguyễn Hồng, Nguyễn Ngọc Phương, Lê Huy Quang, Mẫn Thu, Minh Ngọc, Đàm Liên, Tiến Thọ, Hoàng Khiềm, Nguyễn Gia Khoản, Minh Gái, Hương Thơm, Hồng Khiêm; Nghệ sĩ Ưu tú: Đoàn Thị Ngà, Lê Đình Nhi, Hoàng Hiệp Tắc, Nguyễn Doãn Khoái, Hoàng Hồng Nhung, Nguyễn Quang Minh, Lê Văn Lập, Văn Thành, , Đắc Hán, Tạ Văn Tạo, Nguyễn Viết, Đoàn Anh Thắng, Quang Hải, Minh Nguyệt, Văn Tuy, Phạm Văn Dị, Xuân Vượng, Hoàng Hiệp Tính, Ngọc Khánh, Hán Văn Tình, Hán Văn Thân, Minh Sự, Bích Tần, Nguyễn Văn Quý, Anh Dương, Lê Xuân Quý, Văn Thuỷ, Đức Mười. Và các tài năng trẻ đã loé sáng trong các kỳ tranh tài: Kiều Oanh, Nguyễn Lộc Huyền, Nguyễn Đức Mạnh, Chu Quang Cường, Trần Long, Vũ Hiền Trang, Tống Xuân Tùng, Nguyễn Văn Quyết Nguyễn Thu Quyên, Nguyễn Hà Thanh, Nguyễn Đình Nam…
Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc, Nhà hát phối hợp với Trường Đại học Sân khấu -Điện ảnh đào tạo 8 khoá diễn viên; quan tâm đào tạo trong và ngoài nước một đội ngũ sáng tác gồm: 4 tác giả, 13 đạo diễn, 4 nhạc sĩ, 4 hoạ sĩ, và 2 biên đạo múa có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Lực lượng sáng tạo này đã đống góp đáng kể cho việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu Tuồng; đã tham gia sáng tác, dàn dựng cho nhiều Đoàn Nghệ thuật trong cả nước những tác phẩm nghệ thuật có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao. Có nghệ sĩ đã trở thành Nhà quản lý cấp Bộ, Cục, Vụ, Viện, Hội: Giáo sư Hoàng Châu Ký, Giáo sư Hoàng chương, NSND Lê Tiến Thọ… Có được những tác phẩm nghệ thuật giá trị đến với khán giẩ, Nhà hát không quên những Nhà nghiên cứu, Nhà báo ngày đêm miệt mài làm sáng lên những tác phẩm nghệ thuật sân khấu Tuồng, soi đường cho nghệ thuật phát triển và toả sáng như Giáo sư Hoàng Châu ký, Giáo sư Hoàng Chương, Nhà Nghiên cứu Phạm Phú Tiết, Hà Văn Cầu, Mịch Quang, Vũ Ngọc Liễn, Xuân Yến, Nguyễn Thị Tình, Từ Lương, Tô Lan, Thu Hiền… Đến nay nhà hát đã có một số công trình nghiên cứu cấp Bộ, nhiều bài nghiên cứu, phê bình, tiểu luận có gía trị thực tiễn. Những tư liệu múa, hát cơ bản, tổng phổ, ma két trang trí, phục trang; những hình ảnh vai diễn, vở diễn từ truyền thống đến hiện đại được ghi lại bằng các phương tiện hiện đại để lưu giữ, nghiên cứu và truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ. Bên cạnh công tác tư liệu, Nhà hát cũng luôn cử các đạo diễn, diễn viên về các phong trào Tuồng không chuyên xây dựng tiết mục. Việc làm này đã tác động lớn đến hoạt động sân khấu Tuồng ở nhiều tỉnh thành, phát huy tác dụng giáo dục và giải trí lành mạnh cho nhân dân, phát triển màng lưới Tuồng không chuyên sâu rộng, vừa mang tính nghệ thuật, vừa góp phần xã hội hoá văn hoá nghệ thuật, đúng với đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.
Những thành quả Nhà hát đạt được trong 60 năm đã chứng minh tài năng, sức mạnh của các Nhà lãnh đạo Nhà hát: NSND Quang Tốn, Bạch Trà, NSND Hoạ sĩ: Nguyễn Hồng, Ông Nguyễn Phúc Quảng, NSND Đạo diễn Ngọc Phương, Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giáo sư đạo diễn Hoàng Chương, Ông Nguyễn Duy Phí, NSƯT đạo diễn Tạ Tạo, NSƯT đạo diễn Đoàn Anh Thắng, NSND Lê Tiến Thọ, NSND đạo diễn Hoàng Khiềm, Bà Nguyễn Thị Nhung, Biên Kịch Khắc Duyên, Bà Tạ Thị Hồng Nâng. Và Ban Giám Đốc đương thời đang giữ trọng trách của Nhà nước và nhân dân giao cho: Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Tạ Văn Sốp, Phó Giám Đốc Hoàng Văn Long, NSND Nguyễn Gia Khoản, NSND Nguyễn Hương Thơm. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Thanh niên. Chi bộ từ 3 đảng viên nay đã trở thành Đảng bộ, luôn là điểm tựa vững chắc cho mọi hoạt động của Nhà hát. Các tổ chức đoàn thể đã cùng các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ đã đi một chặng đường dài đầy sóng gió, thác ghềnh. Và Nhà hát Tuồng Việt Nam tự hào đón nhận 15 danh hiệu N S N D, 31 danh hiệu N S Ư T, Huân Chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba và Huân Chương Độc lập Hạng Ba do Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng.
Chặng đường 60 năm Nhà hát đã vượt qua ghi nhận sự đóng góp của biết bao thế hệ nghệ sĩ “ sinh vi nghệ, tử vi nghệ” – những “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” đã nuôi dưỡng, phát huy những tinh hoa sân khấu cổ truyền của dân tộc, xây dựng các hình tượng anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước, đi biểu diễn khắp mọi nẻo đường của tổ quốc và giới thiệu với nhiều nước trên thế giới để lại cho họ sự ngưỡng mộ và ấn tượng sâu sắc. Những tác phẩm nghệ thuật, những kỷ niệm không thể phai mờ luôn là hành trang trên bước đường nối tiếp: Bước đường của sự hội nhập thế giới, bước đường những giá trị văn hoá dân tộc dễ bị quên lãng nhưng dần được khảng định; bước đường vinh quang nhưng cũng đầy cam go, thử thách. Ngọc càng mài càng sáng. Chúng ta tin rằng những di sản quý báu cuả ông cha ta đã được tinh lọc qua hàng trăm năm đã làm rạng rỡ nên văn hoá dân tộc sẽ được toả sáng nếu ngọn lửa nghề nghiệp vẫn hun đúc tâm hồn các nghệ sĩ, nếu lòng dân vẫn đùm bọc, thường yêu và Nhà nước vẫn quan tâm về vật chất, tinh thần.