Hy vọng mọi người sẽ đọc hết bài viết này. Rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp xây dựng của mọi người. Mình xin cảm ơn.


Lời đầu tiên cho phép em/ cháu xin gửi lời cảm ơn tới cô Đào Thu Huệ Dao Thu- giảng viên giảng dạy môn Văn học Trung Quốc, Bác Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho chúng em/ cháu có cơ hội được thưởng thức vở Tuồng “ Làm vua” tại rạp Hồng Hà. Hôm nay em/ cháu xin phép có vài lời cảm nhận sau buổi trải nghiệm hôm đó. Bài viết có tựa đề:
VĂN HOÁ TUỒNG- GIEO MẦM TÌNH YÊU VỚI NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VÀ KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ LỊCH SỬ.
- Điều gì đã thay đổi một đứa chẳng có niềm hứng thú văn hoá Tuồng lại trở nên yêu thích nó? Cho phép cháu/ em được xưng mình với các bạn và mọi người. Giới thiệu với mọi người một chút về thái độ trước đây của mình đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Gói gọn trong 4 chữ” buồn ngủ, phớt lờ ”. Bình thường mình rất ít khi xem các chương trình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương trên ti vi, nếu có xem thì chắc nghe chưa được 5 phút là chuyển sang kênh khác. Căn bản là mình nghe không hiểu, và sân khấu gián tiếp qua ti vi cũng không tạo cho mình niềm hứng khởi, thích thú. Vậy cứ thế trôi qua 21 năm mình chỉ biết đó là tuồng, còn cụ thể tuồng là loại hình gì, nội dung của các vở tuồng như thế nào, kỹ thuật trình diễn, hoá trang ra sao mình cũng không biết. THẾ NHƯNG, được học lớp cô Huệ là một điều may mắn với mình, cô tổ chức cho chúng mình rất nhiều buổi đi xem tuồng, kịch. Mặc dù môn cô dạy là văn học Trung Quốc hiện đại nhưng cô vẫn lồng yếu tố văn hoá lịch sử Việt Nam bằng những buổi ngoại khoá rất hay như vậy. Sau rất nhiều lần lười biếng, bận này bận kia mình đã “ miễn cưỡng” quyết định đi xem tuồng cùng với cô cùng các bạn trong lớp phần vì tò mò phần vì muốn viết bài thi giữa kì. Và các bạn ạ, vở tuồng “ LÀM VUA- CHUYỆN NGOÀI CHÍNH SỬ ” đã khiến mình cảm thấy như được mở cờ trong bụng. Cái đặc biệt đó là vở tuồng đã khiến mình loại bỏ cái suy nghĩ ban đầu là “ miễn cưỡng đến xem” ( mình tin là có nhiều bạn giống như mình) thay bằng một cảm giác say mê thưởng thức , mình xem từng cử chỉ, hành động , nghe từng câu thoại, lời hát bội, da mình từng đợt nổi da gà, trái tim mình xốn xang, tự hào, xúc động và có chút tiếc nuối…TẠI SAO ĐẾN BÂY GIỜ MÌNH MỚI BIẾT ĐI XEM TUỒNG…
- Câu chuyện kể về vị vua anh minh Đinh Tiên Hoàng.
Trong phần này mình sẽ không miêu tả chi tiết cụ thể các phân cảnh, mình nghĩ rằng một vở tuồng hay nên để bản thân chúng ta đến tự xem, tự thưởng thức và tự cảm nhận. Mình sẽ chỉ tóm tắt sơ lược vở kịch cho các bạn hiểu sơ qua một chút: Quay lại thời kì vua Đinh dựng nước, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh chính thức lên làm vua lập ra nước Đại Cồ Việt. Để thực hiện nhiệm vụ duy trì hoà bình, trị quốc an dân vua Đinh Tiên Hoàng đã thực hiện những kế sách, mưu lược, ngài đã hi sinh tình cảm hạnh phúc riêng tư, người thân trong gia đình, từ bỏ lợi ích cá nhân để yên bình thống nhất đất nước. Kịch bản của tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương đã được các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như tác giả Nguyễn Sĩ Chức, NSNN Hoài Huệ chuyển thể thành một câu chuyện với mở đầu vô cùng đẹp đẽ về mối tình thời trẻ giữa Tướng quân Lê Hoàn và Hoàng hậu Dương Vân Nga, hai người đã cất giấu tình cảm trong tim, hi sinh hạnh phúc cá nhân để quyết một lòng trung quân ái quốc. Để làm nổi bật tấm lòng cao cả của vua Đinh Tiên Hoàng, đạo diễn còn khéo léo lồng ghép phân cảnh vua Đinh hi sinh người thân là con gái Phất Kim gả cho Ngô Nhật Khánh- 1 thủ lĩnh trong 12 sứ quân ngày xưa vì muốn bình định thiên hạ. Điều khiến mình tâm đắc nhất trong buổi xem tuồng hôm đó chính là diễn xuất chuyên nghiệp và đầy cảm xúc của các nghệ sĩ. Mình ngồi xem mà không cảm thấy bị ngáp ngủ😁 Từng cử chỉ, động tác, từng câu nói, câu hát có thể mình không nghe rõ và không hiểu lắm nhưng nó tác động đến mình một cách mạnh mẽ, nỗi đau đớn khi phải gả con đi của Vua Đinh, tâm trạng chết lặng khi biết mình là người chia cắt mối tình giữa Lê Hoàn và Hoàng hậu, cùng số phận éo le của nàng công chúa xinh đẹp Phất Kim đã khiến mình rơi nước mắt. Mình biết rằng để diễn được như vậy, các nghệ sĩ đã phải” chịu khổ để giữ nghề!” như thế nào, từ việc phải hoá trang những lớp dày đặc, sắc nét, tới những động tác như lăn, bê, xiên, lỉa,..các nghệ sĩ đã làm vô cùng trọn vẹn và xuất sắc. Ngoài ra, âm nhạc cũng là điều mình tâm đắc trong buổi diễn lần này, các dụng cụ như trống chiến, kèn đàn cò, đồng la phối hợp nhịp nhàng, lúc cao trào thì dồn dập, lúc lắng xuống thì tần suất giảm lại đen xen là những khúc hát bội khiến hiệu ứng nghệ thuật được phơi ra một cách trọn vẹn nhất, chính điều này đã góp phần tác động tới cảm xúc của mình, mình cũng nhớ giọng hát của nghệ sĩ hát chính lúc mở đầu vở kịch, âm hưởng bi tráng, hào hùng cất lên khiến mình và bạn nữ bên cạnh phải xuýt xoa” uii, hay quá!”. Cuối buổi diễn cô giáo và chúng mình có lên chụp ảnh với các nghệ sĩ, nhìn thấy nụ cười tươi và ánh mắt đầy niềm vui, mình cảm nhận được tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với nghề của các nghệ sĩ! Xin cảm ơn các cô, các chú, các anh chị nghệ sĩ đã và đang cống hiến cho nghề, xin cảm ơn vì đã giúp khơi gợi trong cháu/em niềm yêu thích đối với văn hoá Tuồng nói riêng và tình yêu với các loại hình văn hoá truyền thống nói chung! - Mình đã thu gom được gì sau buổi diễn hôm đó?
Nếu nói về sự thu hoạch sau buổi diễn đó, mình nghĩ rằng sự thu hoạch lớn nhất chính là sự chuyển đổi nhận thức trong mình đối với các loại hình văn hoá nghệ thuật của dân tộc và ý thức cũng như trọng trách trong việc lưu giữ bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống. Hôm xem buổi diễn đó về mình đã google tìm hiểu ngay về Tuồng, mình biết được lịch sử về nó, biết được các kỹ thuật trong tuồng: nào là ca điệu, điệu khách, điệu nam, nào là nghệ thuật hoá trang, thiết kế trang phục, nghệ thuật sử dụng binh khí, mình biết được sự khác biệt của kinh kịch Trung Quốc và Tuồng Việt Nam,….. Nhưng Tuồng còn làm được nhiều hơn như thế. Đêm đó mình đã ngồi đọc liền tù tì kí sử về nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Điều mà trước đây mình chẳng bao giờ làm. Tuồng đã tạo cho mình tình yêu khởi phát với lịch sử. Điều mà trước đây sách giáo khoa không có tác dụng đối với mình. Tại sao ư? Vì sách lịch sử chỉ dạy mình vua Đinh dựng nước năm 968 chứ không dạy mình vua Đinh đã yêu nước như thế nào. Vậy nên mình cũng hi vọng bộ giáo dục sẽ tạo điều kiện cho sân khấu Tuồng đến với các bạn trẻ nhiều hơn, để lịch sử không phải là một bộ môn học thuộc nhàm chán, mà chính chúng ta sẽ là những người chủ động tìm hiểu lịch sử, sự khởi phát từ ý thức sẽ khiến cho các bạn trẻ biết trân trọng các giá trị lịch sử, trân trọng công lao của cha ông ta hơn trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để từ đó mỗi chúng ta có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ lãnh thổ. Qua buổi xem kịch ấy mình cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ vì chính mình- một trong những người trẻ đang chạy theo những những giá trị văn hoá mới mà vô tình đánh rơi và quên đi những giá trị văn hoá cũ. Mình biết sẽ có nhiều bạn trẻ ưa văn hoá Âu Mỹ, văn hoá Kpop, Cpop,… sẽ thấy rằng Tuồng, chèo hay sẩm..v.v vô cùng nhàm chán, “buồn ngủ” nhưng mình bằng chứng là 21 năm không có chút tình cảm với Tuồng đã vô tình “ngã vào lòng anh ý” một cách vô cùng bất ngờ😄. Vậy nên mình cũng hi vọng các bạn trẻ như chúng ta hãy mở lòng đón nhận những giá trị văn hoá truyền trống đang dần bị mai một giống như cách chúng ta tiếp cận với văn hoá mới. Để mỗi khi đến rạp, tỉ lệ các bạn trẻ không còn là 5-10% như hiện nay….mình cũng hi vọng sau này trên mặt báo sẽ không còn xuất hiện các bài báo với nỗi lòng canh cánh lo sợ mà thay vào đó sẽ là những tiêu đề” người trẻ nô nức rủ nhau đến rạp xem Tuồng”, “ Tuồng đang ngày càng khởi sắc”… Và mình tự nguyện gia nhập vào công cuộc ấy.